Thi công chức Sở Tài chính và những thông tin không thể bỏ qua

Ngày: 16/08/2021
Để trở thành công chức làm việc tại Sở Tài chính không hề dễ dàng. Cùng tham khảo các thông tin quan trọng về thi công chức Sở Tài chính qua bài viết sau nhé.
Với những ai học chuyên ngành Kế toán, Tài chính... thì trở thành công chức làm việc tại Sở Tài chính là lựa chọn rất phổ biến. Vậy thi công chức Sở Tài chính cần lưu ý những quy định gì? Tham khảo ngay bài viết bên dưới nhé!

Vị trí việc làm phổ biến trong thi công chức Sở Tài chính

Tùy thuộc vào tình hình hoạt động thực tế mà Sở Tài chính các tỉnh, thành phố sẽ quyết định tuyển dụng công chức ở vị trí làm việc nào? Bao nhiêu chỉ tiêu? Dưới đây là một số vị trí việc làm thường xuyên được tuyển dụng:
  • Quản lý tài chính doanh nghiệp
  • Quản lý nợ
Thi công chức Sở Tài chính
  • Quản lý Tài chính  hành chính sự nghiệp
  • Quản lý huy động vốn và cân đối ngân sách           
  • Quản lý Tài chính ngân sách quận - huyện
  • Quản lý giá           
  • Quản trị công sở
  • Quản lý công sản
  • Thanh tra
  • Thẩm tra quyết toán vốn đầu tư hoàn thành
Các vị trí cụ thể sẽ được thông báo kèm theo kế hoạch tuyển dụng công chức Sở Tài chính. Bạn nên tìm hiểu kỹ, xác định những yêu cầu cụ thể của từng vị trí việc làm để đăng ký vị trí dự tuyển phù hợp nhất.
Thi công chức Sở Tài chính

Tiêu chuẩn và điều kiện thi công chức Sở Tài chính

Tiêu chuẩn, điều kiện chung

Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định người có đủ những điều kiện sau không phân biệt nam nữ, dân tộc, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng thì được tham gia dự tuyển công chức: Có quốc tịch duy nhất là Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có Phiếu đăng ký dự tuyển; có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp và hợp pháp với vị trí dự tuyển; có lý lịch rõ ràng, phẩm chất, đạo đức tốt; sức khỏe tốt để hoàn thành công việc...

Tiêu chuẩn cụ thể về tin học và ngoại ngữ

  • Có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương trình độ bậc 2 trở lên thuộc khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT).
Người dự thi công chức được phép nộp một trong các chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 thuộc khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam được cấp bởi cơ sở có thẩm quyền, cụ thể: Chứng chỉ tiếng Anh (hoặc chứng chỉ tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức) trình độ B hoặc A2; Chứng chỉ IELTS 4.0 trở lên; Chứng chỉ TOEFL ITP 360 hoặc iBT 30 trở lên; Chứng chỉ TOEIC 225 (gồm nghe và đọc) hoặc TOEIC 345 (gồm nghe và đọc 225, viết 50, nói 70) trở lên,...
Thi công chức Sở Tài chính
  • Có chứng chỉ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản trở lên (quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT) hoặc chứng chỉ tin học ứng dụng tương đương.
Người dự thi công chức được phép nộp các chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C cấp bởi cơ sở đào tạo có thẩm quyền để thay thế. Hiện nay, các chứng chỉ tin học A, B, C cấp sau thời điểm 15/12/2016 thì không còn được công nhận.

Yêu cầu về trình độ chuyên môn của từng vị trí việc làm

Ngoài những điều kiện, tiêu chuẩn chung và điều kiện về tin học, ngoại ngữ thì khi có ý định thi công chức Sở Tài chính, bạn nên tìm hiểu kỹ yêu cầu về trình độ chuyên môn đối với từng vị trí việc làm. Một số yêu cầu tương ứng với từng vị trí trong Sở Tài chính như sau:
  • Quản lý tài chính doanh nghiệp: Bằng tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, Dịch vụ tài chính, Tài chính - Tiền tệ - Tín dụng bậc đại học trở lên.
  • Quản lý tài chính hành chính sự nghiệp: Bằng tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, Tài chính ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán, Tài chính công bậc đại học trở lên.
  • Quản lý nợ: Bằng tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế, Tài chính công bậc đại học trở lên.
  • Quản lý tài chính ngân sách quận – huyện: Bằng tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính công bậc đại học trở lên.
  • Quản lý huy động vốn và cân đối ngân sách: Bằng tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính công bậc đại học trở lên.
  • Thanh tra: Bằng tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, Tài chính - Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Tài chính công, Kế toán - Kiểm toán bậc đại học trở lên.
​​​​​​​Thi công chức Sở Tài chính
  • Quản trị công sở: Bằng tốt nghiệp chuyên ngành Luật bậc đại học trở lên.
  • Quản lý giá: Bằng tốt nghiệp chuyên ngành Thẩm định giá bậc đại học trở lên.
  • Quản lý công sản: Bằng tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính công, Tài chính - Ngân hàng bậc đại học trở lên.
  • Thẩm tra quyết toán vốn đầu tư hoàn thành: Bằng tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán, Tài chính bậc đại học trở lên.

Hồ sơ đăng ký thi công chức Sở Tài chính

Người đăng ký tham dự kỳ thi công chức Sở Tài chính nộp một bộ hồ sơ bao gồm:
  • Phiếu đăng ký dự tuyển (Mẫu theo quy định), điền đầy đủ và chính xác các thông tin trong Phiếu.
  • 02 ảnh chân dung cỡ 4x6 (thời gian chụp không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).
  • Bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ (bản sao) có chứng thực, công chứng theo quy định dựa trên yêu cầu của vị trí dự tuyển. Nếu không có bản sao chứng thực, công chức thì mang theo bản chính để đối chiếu.
  • Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng công chức (nếu có).
​​​​​​​Thi công chức Sở Tài chính
Mỗi cá nhân chỉ được đăng ký dự tuyển vào duy nhất một vị trí việc theo theo nhu cầu tuyển dụng công chức Sở Tài chính. Sau thời hạn tiếp nhận hồ sơ, Sở Tài chính sẽ chuyển giao hồ sơ cho Sở Nội vụ để kiểm tra và rà soát. Trường hợp có người đăng ký từ 02 vị trí việc làm trở lên sẽ bị loại khỏi danh sách dự thi.

Nội dung, hình thức thi

  • Vòng 1 - Thi trắc nghiệm với tổng ba phần (Kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học). Nếu đơn vị tuyển dụng tổ chức thi vòng 01 trên máy vi tính thì sẽ không có phần thi tin học. Thời gian thi phần kiến thức chung là 60 phút, ngoại ngữ và tin học mỗi phần 30 phút.
  • Nếu thí sinh có đáp án đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thuộc vòng 01 thì được phép thi tiếp vòng 02.
  • Vòng 2 - Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng một trong ba hình thức viết, phỏng vấn hoặc kết hợp viết - phỏng vấn (đa phần là phỏng vấn). Thời gian là 30 phút, thí sinh được phép chuẩn bị trong giới hạn 15 phút (đối với hình thức phỏng vấn).

Tham khảo các câu hỏi môn Kiến thức chuyên ngành trong đề thi công chức Sở Tài chính

Dưới đây là tổng hợp một số đề thi công chức Sở Tài chính vào các năm trước:
Đề số 01:
  • Câu 1: Anh (chị) hãy trình bày khái niệm phí và lệ phí? Căn cứ vào Luật Phí, lệ phí số 97/2015/QH13 nguyên tắc xác định mức thu miễn giảm phí, lệ phí được quy định như thế nào?
  • Câu 2: Anh (chị) hãy nêu rõ nội dung nhiệm vụ kế toán phải làm trong trường hợp chia, sáp nhập đơn vị kế toán theo quy định tại Luật Kế toán số 88/2015/QH13?
​​​​​​​Thi công chức Sở Tài chính
  • Câu 3: Trình bày nội dung về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP? Theo pháp luật, nguồn thu phí được để lại chi cho những nội dung gì?
Đề số 02:
  • Câu 01: Anh (chị) hãy trình bày nội dung xử lý thu, chi ngân sách nhà nước cuối năm theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13? Căn cứ vào luật này, thì các khoản tăng thu, tiết kiệm chi trong năm thuộc ngân sách cấp tỉnh khi được dùng tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng phải đáp ứng những điều kiện gì?
  • Câu 2: Trình bày đối tượng và phạm vị điều chỉnh của Nghị định 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và quản lý hành chính đối với các cơ quan quản lý nhà nước và Nghị định 117/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 130/2005/NĐ-CP?
  • Câu 3: Trình bày nội dung kiểm tra kế toán, quyền và trách nhiệm của đơn vị kế toán được kiểm tra theo quy định của Luật kế toán số 88/2015/QH13 của Quốc hội?
Đề số 03:
  • Câu 1: Trình bày những quy định nộp, thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí theo Luật phí, lệ phí số 97/2015/QH13 của Quốc hội?
  • Câu 2: Nêu rõ trình tự luân chuyển và kiểm tra chứng từ kế toán theo quy định tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính?
  • Câu 3: Trình bày nội dung Kiểm kê tài sản được quy định tại Luật Kế toán số 88/2015/QH13 của Quốc hội?
Đề số 04:
  • Câu 1: Hãy trình bày các căn cứ lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 của Quốc hội?
  • Câu 2: Hãy trình bày trách nhiệm và thẩm quyền của Bộ Tài chính và UBND cấp tỉnh, thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh về quản lý phí và lệ phí quy định tại Luật Phí, lệ phí số 97/2015/QH13 của Quốc hội?
  • Câu 3: Căn cứ vào Luật Kế toán số 88/2015/QH13, hãy trình bày các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác kế toán?
Đề số 05:
  • Câu 1: Anh (chị) hãy trình bày những quy định về đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, mua sắm tài sản nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước theo quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12 của Quốc hội?
  • Câu 2: Anh (chị) hãy trình bày những quy định về nghĩa vụ tài chính, quản lý tài sản nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ, tự chủ trong giao dịch tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ?
​​​​​​​Thi công chức Sở Tài chính​​​​​​​
  • Câu 3: Anh (chị) hãy trình bày trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản nhà nước của Bộ Tài chính, UBND các cấp theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12 của quốc hội?
Để trở thành công chức làm việc ở Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, đòi hỏi ở bạn một chuyên môn phù hợp cũng như các điều kiện đi kèm khác. Kỳ thi công chức Sở Tài chính sẽ không quá khó khăn nếu bạn có sự chuẩn bị đầy đủ về cả tâm lý lẫn kiến thức.
Hy vọng những thông tin chia sẻ trong bài viết sẽ hữu ích đối với bạn. Chúc bạn may mắn trong kỳ thi sắp tới!